Các em học sinh thân mến!
Nhà văn M. Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Học Văn giúp chúng ta tích lũy được kinh nghiệm vốn sống, làm phong phú thêm ngôn ngữ của tiếng Việt. Mục tiêu cuối cùng là giúp các em hoàn thiện nhân cách, biết đồng cảm yêu thương hơn …Có lẽ vì lý do đó mà Ngữ văn chiếm số lượng tiết học khá nhiều trong phân phối chương trình của toàn cấp học và là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPTQG. Tuy nhiên nhiều bạn vẫn chưa tìm ra phương pháp học hiệu quả và gặp nhiều khó khăn khi học bộ môn KHXH này.
Để giúp các em học tốt hơn môn Ngữ văn 10, cô xin chia sẻ một số kinh nghiệm:
1/ KHÁI QUÁT CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 10
Cả năm học: 37 tuần - 105 tiết
Học kì I: 19 tuần - 54 tiết
Học kì II: 18 tuần - 51 tiết
Các phân môn: Đọc văn, Tiếng Việt, Làm văn được phân phối chương trình đan xen nhau. Chúng có quan hệ gắn bó với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau.
Phần Đọc văn gồm:
Các bài khái quát
Văn học dân gian
Văn học trung đại
Phần Tiếng Việt: Một số bài lý thuyết và thực hành về tiếng Việt
Phần Làm văn gồm:
Văn biểu cảm
Văn tự sự
Văn nghị luận ( nghị luận xã hội và nghị luận văn học )
Văn thuyết minh
2/ MỘT SỐ KHÓ KHĂN HỌC SINH THƯỜNG GẶP
- Hạn chế về thời gian: Một số bài khái quát và một số tác phẩm văn học trong chương trình khá dài, khó hiểu nhưng lượng thời gian ngắn nên khó đi sâu vào tìm hiểu kĩ càng, thấu đáo các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm
- Một số học sinh còn hạn chế trong việc sử dụng có hiệu quả vốn từ tiếng Việt
- Một số em không cảm thụ được văn chương cũng như không biết làm thế nào để diễn đạt những điều mình nghĩ.
- Các em thường mắc các lỗi về dùng từ, đặt câu và viết đoạn văn:
+ Dùng từ chưa chính xác, bị sai về nghĩa hoặc không phù hợp
+ Lỗi đặt câu: câu thiếu thành phần, nhầm lẫn giữa trạng ngữ và chủ ngữ, …
+ Viết đoạn văn mà không thống nhất về nội dung, không đảm bảo tính logic…
3/ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ HỌC TỐT MÔN NGỮ VĂN
Thứ nhất: Hãy đọc – đọc tác phẩm, đọc những bài văn mẫu, … Việc đọc sẽ giúp các em rất nhiều trong việc cảm thụ tác phẩm cũng như giúp các em trau dồi về từ vựng, về ngữ pháp, về khả năng biểu đạt ý nghĩ, cảm xúc.
Thứ hai: Hãy học – học thuộc những câu nói, câu văn hay, những câu thơ đặc sắc và những lời bình giảng ấn tượng để khi làm bài văn, các em có kiến thức, có nguồn tư liệu.
Thứ ba: Hãy viết – viết ra những gì mình nghĩ, mình cảm nhận. Hình thức thông thường để tự luyện viết đó là soạn bài mới trước khi đến lớp. Hãy từ bỏ thói quen chép lại từ sách Học tốt. Thông qua việc đọc sách Học tốt để tham khảo, các em hãy biết lấy đó làm cơ sở để liên hệ với những cảm nhận của riêng mình rồi trình bày bài soạn – câu trả lời theo cách của mình.
Thứ tư: Hãy hợp tác - cùng giáo viên, cùng bạn bè - trong giờ học trên lớp. Hãy biết lắng nghe, suy nghĩ, cảm nhận và trình bày.
Thứ năm: Ngoài việc đọc, học, viết những gì thuộc về chương trình SGK, hãy đọc, học và viết về những gì có trong cuộc sống. Việc làm này sẽ giúp các em giàu thêm về tâm hồn, về tri thức cũng như về kĩ năng.
Các em nên nhớ rằng “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Lỗ Tấn). Cô tin rằng với sự chuyên cần, chăm chỉ, chú ý nghe giảng, có kế hoạch tự học phù hợp thì việc học môn Ngữ văn sẽ trở nên đơn giản hơn.
Chúc các em thành công!
Tác giả bài viết: Trương Thị Thùy Vân (Giáo viên trường THPT Lộc Phát - Bảo Lộc)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thptlocphat.edu.vn là vi phạm bản quyền.
TIN MỚI CẬP NHẬT
TIN BÀI LIÊN QUAN
Ngày 23/03/2021 vừa qua Đoàn trường THPT Lộc Phát đã tổ chức thành công Hoạt động trải nghiệm chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Thành phố Bảo Lộc (28/3/1975 - 28/3/2021) qua đó đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí...