Thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hà Nội phát động một chiến dịch ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, hàng vạn truyền đơn đã được phân phát ra khắp thành phố. Ngày 11-10-1930, lúc công nhân đi làm về và học sinh các trường cũng bắt đầu hết giờ học, đội thanh niên xung phong tập hợp hàng trăm người tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), phân phát truyền đơn, diễn thuyết hô hào nhân dân ủng hộ công nhân và nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh dưới nhiều hình thức đấu tranh như bãi công, đòi tăng lương, bớt giờ làm việc... Cảnh sát, mật thám ập tới khủng bố và bắt đi hai đội viên song phong trào ủng hộ Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục. Khẩu hiệu "Phản đối đế quốc chủ nghĩa thảm sát nông dân Nghệ Tĩnh" luôn được nêu cao.
Sáng ngày 11-10-1962, Mỹ - Diệm mở chiến dịch "Sao Mai" nhằm càn quét vào vùng từ Long An đến Tây Ninh lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, vòng cung phía tây nam và tây bắc Sài Gòn.
Lực lượng vũ trang giải phóng đánh trả quyết liệt, các máy bay lên thẳng đều trúng đạn của du kích. Đồng ruộng tuy rộng nhưng nơi nào địch có thể xuống, ta đều cắm đầy cọc tre vót nhọn 4 đến 5 mét, làm cho bọn lính dù và phi công khiếp sợ. Đường sá bị nhân dân đào phá, các đoàn xe chở lính đều bị tắc nghẽn, 6000 quân địch bị dồn ứ lại trong một vòng đất hẹp, tiếp tế và vận tải đều khó khăn. Sau nhiều ngày bị vây hãm trong đồng lầy, nước ngập lại bị tập kích liên tiếp, ngày 18-10-1962, quân địch phải tháo chạy.
Sự kiện ngoài nước
Ngày 11-10-1803 ông Gácnơranh (sinh năm 1769, mất năm 1803) người Pháp đã đăng ký phát minh dù.
Trước đó, chính Gácnơranh đã thực hiện cú nhảy dù thực sự đầu tiên vào ngày 22-10-1797. Ông bay trên một khí cầu của công viên Mútxô ở Pari, khi đạt độ cao khoảng 800m, ông đã cắt dây treo giỏ của kinh khí cầu, Chiếc giỏ treo trên một cái dù từ từ hạ xuống.
Giêmxơ Prexcốt Giun (James Precott Jun) sinh năm 1818 qua đời ngày 11-10-1889.
Ông là nhà vật lý nổi tiếng người Anh đã dùng thực nghiệm để tìm ra luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng.
Giun đã cùng với các nhà bác học Nga Lenxơ tìm ra định luật xác định tác dụng nhiệt của dòng điện
Người ta đã lấy tên ông Giun đặt cho đơn vị công (Ký hiệu là J).